Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số; tập huấn trang bị các kỹ năng, năng lực thực hành giúp hội viên, nông dân hiểu và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Các cấp Hội còn duy trì, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với internet”; tổ chức các lớp tập huấn “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet”. Qua đó, hội viên, nông dân được hướng dẫn cách tìm hiểu thông tin giá cả thị trường, địa chỉ tin cậy về giống, vốn, vật tư; giới thiệu và quảng bá nông sản; khai thác hiệu quả những thông tin hữu ích trên mạng để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các cấp HND trong tỉnh tích cực vận động nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất; giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp đã và đang triển khai thành công tại một số địa phương tới hội viên, nông dân trong tỉnh.
Với sự hỗ trợ của các cấp HND cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, đến nay, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc cây trồng, quản lý trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để tìm kiếm thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn có lắp đặt hệ thống camera để giám sát từ xa toàn bộ chuồng trại, tạo thuận lợi chăm sóc, quản lý đàn vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh), một trong những nông dân tiên phong trong việc sử dụng tem điện tử thông minh (QR code) truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của trang trại gồm thịt lợn thảo dược Hiền Thục, xúc xích Hiền Thục, ruốc Hiền Thục. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR để tra các thông tin của nhà sản xuất như quy trình, địa chỉ, ngày sản xuất, hạn sử dụng sản phẩm; đồng thời trang trại cũng quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm đến khách hàng… Đến nay, ngoài các mô hình sản xuất rau, hoa, cây cảnh trong nhà màng, nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như chuồng nuôi tuần hoàn khép kín, lắp đặt máng ăn, uống tự động, có hệ thống điều hòa nhiệt độ làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống camera giám sát quản lý toàn bộ quá trình chăm sóc, cho ăn, phát triển của vật nuôi. Trong nuôi trồng thủy sản, nông dân ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng đã tích hợp kiểm tra môi trường, nhiệt độ trên điện thoại di động thông minh để giám sát ao nuôi và điều khiển từ xa trong nuôi tôm; áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính…
Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số, từ tháng 4-2022, HND tỉnh và Bưu điện tỉnh đã ký kết triển khai “Thỏa thuận hợp tác giữa HND Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025” tại tỉnh Nam Định. Theo đó, hai ngành phối hợp thực hiện các hoạt động như: Rà soát, đưa thông tin sản phẩm và thông tin hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng của hai bên. Triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn lồng ghép vào các hội nghị tập huấn, đào tạo hoặc sự kiện của tổ chức HND. Qua thời gian triển khai, đến nay, đã có 400 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nông dân trong tỉnh được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart, tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện khởi nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất chưa tạo thành phong trào rõ nét, hiệu quả chưa cao, vẫn còn những hạn chế nhất định. Nguyên nhân là do nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc khởi nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất của cán bộ, hội viên nông dân còn chưa đầy đủ; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; tư duy khởi nghiệp và chuyển đổi số còn chậm đổi mới; sự phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động thúc đẩy hội viên nông dân khởi nghiệp và chuyển đổi số trong sản xuất chưa thật sự chặt chẽ...
Để xây dựng người nông dân Nam Định văn minh, phát triển toàn diện, tháng 7/2024, BCH HND tỉnh ban hành Nghị quyết về “Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, giai đoạn 2024-2028”. Nghị quyết đề ra các mục tiêu cụ thể như: phấn đấu 50% hội viên nông dân, trong đó 100% hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, mô hình tổ hợp tác, HTX, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp, chuyển đổi số trong sản xuất, được trang bị kỹ năng an toàn thông tin cơ bản. Hàng năm hướng dẫn, hỗ trợ thành lập từ 30 mô hình tổ hợp tác, HTX nông dân khởi nghiệp, trong đó có 10 mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất. Hàng năm hỗ trợ 50 hộ nông dân xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, trong đó có 10 hộ nông dân xây dựng ý tưởng khởi nghiệp ứng dụng chuyển đổi số. Phấn đấu mỗi năm có 6.000 hội viên nông dân trở lên có tài khoản trên sàn thương mại điện tử và 100% các sản phẩm OCOP được hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Phấn đấu đến năm 2028 có từ 90% trở lên hội viên nông dân sử dụng ứng dụng nền tảng số “Nông dân Việt Nam” trong sản xuất, kinh doanh. Việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về “Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, giai đoạn 2024-2028”, hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.