Trước yêu cầu đổi mới, để thực hiện tốt công tác chuyên môn, ngành GD và ĐT thành phố đang tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong dạy học và quản trị cơ sở giáo dục.
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành GD và ĐT thành phố thường xuyên mở các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên; chỉ đạo, động viên, khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường tăng cường sử dụng CNTT trong các bài giảng và chủ động nâng cao ứng dụng CNTT trong công tác quản lý. Hiện 100% cơ sở giáo dục đã thực hiện ứng dụng CNTT và từng bước thực hiện CĐS trong dạy học và quản trị theo “Bộ chỉ số đánh giá mức độ CĐS” theo Quyết định 4725/QĐ-BGDĐT ngày 30-12-2022 của Bộ GD và ĐT. Trong đó, CĐS trong các nhà trường được thể hiện qua việc sử dụng một số phần mềm trong quản lý như: Phần mềm VNEdu, SMAS, Cơ sở dữ liệu ngành (http://csdl.moet.gov.vn); phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ GD và ĐT (http://taphuan.csdl.edu.vn); đánh giá công chức: ETEP, TEMIS; phần mềm cho kế toán tài chính: MISA, quản lý tài sản công, hỗ trợ kê khai thuế; giao dịch kho bạc, phần mềm quản lý thư viện; soạn thời khóa biểu bằng phần mềm TKB, phần mềm iOffice để quản lý công văn đi, đến,...; sử dụng zalo, facebook, SMS để chuyển tải, truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh. Các phần mềm đã được ứng dụng trong dạy học, kiểm tra đánh giá như: các phần mềm tạo và trình chiếu bài giảng điện tử, các phần mềm thí nghiệm ảo, phần mềm chấm thi trắc nghiệm như Mr Test, TN trắc nghiệm, các ứng dụng Google Form, Google trang tính.
Đến nay, 100% giáo viên toàn ngành GD và ĐT thành phố đã sử dụng thành thạo CNTT; tham gia, đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số của ngành Giáo dục; tham gia thiết kế bài giảng điện tử E-learning có chất lượng và đạt giải cao trong cuộc thi cấp tỉnh và cấp bộ, tham gia xây dựng ngân hàng đề, câu hỏi trắc nghiệm…, góp phần xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh việc học tập suốt đời. Phòng GD và ĐT thành phố đã triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó môn Tin học được đưa vào giảng dạy bắt buộc ngay từ lớp 6 và 100% học sinh lớp 6 đã được học Tin học 1 tiết/tuần; mô hình giáo dục STEM bước đầu được giáo viên tiếp cận, tiến tới dạy lồng ghép trong các môn học, gắn việc học của học sinh thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ để giải quyết các bài toán và hiện tượng trong cuộc sống. Thành phố đã tổ chức các kỳ thi IOE trực tuyến cấp trường, cấp thành phố thành công nhờ các nhà trường có đầy đủ trang thiết bị như máy tính, máy chiếu, tai nghe, hệ thống camera giám sát, đồng thời tổ chức tốt các kỳ thi học sinh giỏi môn Tin học lớp 8, 9 cấp thành phố tại các Trường THCS Trần Đăng Ninh, Trần Bích San, Tống Văn Trân.
Về quản trị, 100% các nhà trường đều có trang web riêng, có ban chỉ đạo CĐS, có tổ, nhóm CNTT và quản trị web, fanpage, công khai các văn bản, công khai tài chính và các khoản thu theo quy định của phòng, sở. Công khai việc xét tuyển học sinh đầu cấp trên trang web của mỗi nhà trường. Lãnh đạo và các chuyên viên Phòng GD và ĐT thành phố thực hiện số hoá 100% các thủ tục trên trục liên thông, trên Cổng thông tin hành chính công tỉnh Nam Định. Việc chuyển trường đối với học sinh, cấp phát bản sao bằng THCS đều được các chuyên viên và nhân viên văn phòng trường học thực hiện trên hệ thống hành chính công, học sinh và phụ huynh không cần đến cơ quan quản lý Nhà nước để nhận kết quả. Hầu hết các nhà trường đã và đang thực hiện thu phí không dùng tiền mặt qua tài khoản của các ngân hàng, các ứng dụng của các nhà mạng như VNPT, Viettel. 100% các nhà trường sử dụng các phần mềm trong công tác quản lý. Một số đơn vị tiêu biểu trong thực hiện ứng dụng CNTT, CĐS như các trường THCS: Trần Đăng Ninh, Trần Bích San, Tống Văn Trân...; các Trường Tiểu học: Trần Nhân Tông, Kim Đồng, Chu Văn An...
Việc ứng dụng CNTT, CĐS trong ngành GD và ĐT thành phố đã và đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, tạo sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc: Nhận thức và tư duy của một số cán bộ quản lý về việc CĐS trong nhà trường còn nhiều bất cập do một số cán bộ quản lý đã lớn tuổi nên hạn chế về tiếp cận CNTT; một số giáo viên trẻ còn có sự e dè trong việc đổi mới. Còn có sự nhầm lẫn, cho rằng ứng dụng CNTT là CĐS. Còn thiếu sự hướng dẫn và chiến lược CĐS, chưa nắm được quy trình, mô hình, cách thức CĐS. Cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị (máy tính, camera, máy in, đường truyền, dịch vụ internet... còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nhà trường chưa thể đáp ứng yêu cầu cho CĐS. Cơ sở dữ liệu của các nhà trường chưa đồng bộ vì sử dụng nhiều nhà cung cấp khác nhau. Bên cạnh đó, tài chính là một trong những khó khăn lớn đối với các nhà trường trong vấn đề cân nhắc và lựa chọn các phần mềm ứng dụng hiệu quả. Chưa có sự kiểm soát sát sao và toàn diện về học liệu số. Hiện đang xảy ra tình trạng rất nhiều học liệu số cung cấp tràn lan, thiếu tính xác thực và không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như nội dung. Việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin...
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đó, ngành GD và ĐT thành phố, các nhà trường đang tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh về vai trò của ứng dụng CNTT, CĐS trong các hoạt động giáo dục và các kết quả ứng dụng CNTT đã đạt được. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số. Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc triển khai ứng dụng CNTT, CĐS và công tác thống kê trong giáo dục. Thường xuyên rà soát và có kế hoạch mua sắm bổ sung, duy trì, nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT, CĐS, dạy môn Tin học, dạy học trực tuyến và làm việc trực tuyến; đảm bảo kết nối internet tới nhà trường. Thúc đẩy công tác xã hội hóa giáo dục, tìm nguồn tài trợ tích cực trang bị cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại phục vụ ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập./.