Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày 09 - 11 - 2023
100%

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đề án liên quan trực tiếp, sâu rộng đến những đột phá chiến lược, lợi ích quốc gia của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp nhằm từng bước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trao đổi nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định.

 

Triển khai, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã bám sát nội dung Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong triển khai thực hiện Đề án 06; cụ thể hóa Chỉ thị số 09/CT-UBND của UBND tỉnh về đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2023 và những năm tiếp theo. UBND tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã ban hành 25 văn bản chỉ đạo; tổ chức kiện toàn 2.395 Tổ công tác Đề án 06 tại cấp tỉnh, huyện, xã, thôn, xóm, tổ dân phố; định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát việc triển khai các phương thức sử dụng thông tin về cư trú phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công tại các trụ sở tiếp dân của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đều có những giải pháp phù hợp, phát huy hiệu quả nguồn lực nhằm triển khai, thực hiện tốt nhất Đề án 06, đóng góp vào kết quả chung của toàn tỉnh đề ra. Tiêu biểu như Sở Tư pháp  đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 kế hoạch, 7 công văn chỉ đạo, hướng dẫn; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và ban hành văn bản hướng dẫn triển khai quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ mai táng phí. Sở Tư pháp cũng phối hợp Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bãi bỏ Nghị quyết quy định về thu và quản lý lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn; tổ chức 2 hội nghị quán triệt Đề án 06 cho gần 200 báo cáo viên pháp luật, trưởng phòng tư pháp cấp huyện và toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tài khoản định danh điện tử, các phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Bên cạnh đó, đơn vị đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên đổi mới phương thức, lề lối làm việc trong tiếp nhận, giải quyết TTHC bảo đảm đúng quy định, không để hồ sơ quá hạn. Đồng chí Cù Đức Thuận, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đến nay ngành Tư pháp tỉnh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ do UBND tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh giao. Cụ thể, đơn vị đã hoàn thành tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn toàn tỉnh theo Nghị định số số 87/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, đã thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch của 1.871.835 vụ việc tại 17.542 quyển hộ tịch, chia thành 5 giai đoạn nhằm đáp ứng yêu cầu đăng ký, quản lý hộ tịch theo Luật Hộ tịch, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Đơn vị đã thực hiện 85/85 TTHC đủ điều kiện trực tuyến trên tổng số 113 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp; triển khai tích hợp, cung cấp 4 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, cung cấp dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh. Kết quả, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 10.426 hồ sơ, đăng ký khai tử cho gần 6.300 hồ sơ, đăng ký kết hôn cho hơn 4.700 hồ sơ, cấp hơn 10 nghìn số định danh cá nhân và thẻ BHYT cho trẻ em đăng ký khai sinh. Sở Tư pháp tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thi hành Luật Cư trú. Theo đó, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đều áp dụng phương thức khai thác, sử dụng thông tin cá nhân thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; đa số các tổ chức đã sử dụng các phần mềm đọc mã QRcode để khai thác thông tin cá nhân trên căn cước công dân (CCCD) gắn chíp.

Sở Y tế tỉnh đang thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ của Đề án 06, trong đó triển khai đón tiếp công dân khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT. Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành đang triển khai các bước mua sắm thiết bị đọc mã QRcode theo quy định từ nguồn ngân sách để cung cấp cho các cơ sở y tế có khám chữa bệnh BHYT. Các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tiếp tục rà soát, thực hiện các giải pháp nâng cấp phần mềm, chủ động trang bị thiết bị đọc mã QRcode nhằm tra cứu nhanh thông tin bệnh nhân, giảm tối đa thời gian tiếp đón. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 284/284 cơ sở y tế khám BHYT đã tổ chức khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ khám bệnh bằng CCCD gắn chíp còn thấp do dữ liệu của công dân chưa được đồng bộ với dữ liệu BHXH; đồng thời thói quen khi đi khám bệnh của người dân phần lớn đều dùng thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân. Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức, thông báo công khai tại nơi tiếp nhận bệnh nhân để người dân biết về việc khuyến khích sử dụng CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của Đề án 06, Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; chủ động triển khai Đề án 06 từ huyện tới các xã, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố; thường xuyên phát huy, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, đôn đốc, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Vụ Bản đã giải quyết 100% đối với 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử. Các cơ quan chức năng của huyện tiếp tục thu nhận 115.728 CCCD gắn chíp điện tử cho công dân đủ điều kiện cấp CCCD, kích hoạt 68.819 tài khoản định danh điện tử, đứng đầu toàn tỉnh; làm sạch dữ liệu Bảo hiểm xã hội đối với 21.354 trường hợp; chi trả 13.521 người có công… 

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, Nam Định được Trung ương đánh là địa phương nằm trong tốp đầu về triển khai, thực hiện Đề án 06; trong đó là 1 trong 7 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 40% TTHC trực tuyến mức 4; là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, 1.286 trong tổng số 1.705 dịch vụ công của tỉnh (tương đương 75%) đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Nam Định luôn nằm trong tốp đầu về xếp hạng của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định; bộ phận một cửa các cấp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Sự phát triển của dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân có thể sử dụng dịch vụ ngay tại nhà, vì thế số lượng người dân đến các trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa các cấp đang giảm dần. Trước đây, bình quân mỗi ngày có từ 400-500 người thì nay giảm xuống còn 150-200 người đến giao dịch; qua đó giảm thiểu tối đa chi phí và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn đúng với mục tiêu Đề án 06 đề ra./. 

Tin liên quan

198 người đang online