Cùng với sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp từ hàng ngàn năm trước đây, nhiều nghề thủ công đã ra đời tại các vùng nông thôn Việt Nam. Nghề và làng nghề đã tồn tại và phát triển như một phần không thể tách rời lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm.Đứckiên trì, bềnbỉ, sựsáng tạo, khéo léo, bàn tay tài hoa của cha ông đã ghi dấu trên tất cả các di tích lịch sử, văn hóa qua các triều đại. Mỗi làng nghề đều hàm chứa những giá trị văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn, khôi phục, tuyên truyền quảng bá khơi dậy tiềm năng thế mạnh của mỗi làng nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó không chỉ là giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu rộng rãi đến thế giới tinh hoa văn hóa Việt.
Không phải ngẫu nhiên mà Nam Định được mệnh danh là “đất trăm nghề”. Nơi đây đã và đang tồn tại phát triển hàng trăm làng nghề từ xa xưa từng nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam Hạ. Đến bất cứ địa phương nào trong tỉnh, chúng ra đều bắt gặp những di tích thờ các ông tổ nghề và các lễ hội tôn vinh nghề truyền thống với tục “hiến xảo” (dâng các sản phẩm tinh, khéo lên các vị tổ nghề bày tỏ sự tri ân)
NamĐịnh hiện đang sở hữu nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm, được giữ gìn qua nhiều thế hệ. Nếu như huyện Nam Trực nức tiếng gần xa vời làng rèn Vân Chàng, làng hoa cây cảnh Vị Khê (Điền Xá); đan tre ở Thạch Cầu
Nam Định hiện đang sở hữu nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm, được giữ gìn qua nhiều thế hệ. Nếu như huyện Nam Trực nức tiếng gần xa với làng rèn Vân Chàng, làng hoa cây cảnh Vị Khê (Điền Xá); đan tre ở Thạch Cầu, Trung Lao; nhuộm vải, làm hoa giấy ở Báo Đáp; luyện đồng, chạm vàng bạc, đóng cối xay ở Đồng Quỹ… thì huyện Trực Ninh lại được biết đến với nghề ươm tơ, dệt lụa ở các làng Cự Trữ, Cổ Chất, Dịch Diệp. Rồi Nghĩa Hưng với khâu nón Nghĩa Châu, dệt chiếu Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn; đan vó cá Hoàng Nam; Mỹ Lộc với nghề làm lược chải đầu ở Sùng Văn, làm chăn bông ở Mỹ Thắng, làm quản bút, thước kẻ ở Mỹ Hưng, Mỹ Tiến. Huyện Vụ Bản – vùng đất “địa linh nhân kiệt” cũng khá giàu có về làng nghề: dệt vải, dệt nái tơ tằm Quả Linh, rèn Quang Trung; sơn mài, sơn then làng Hổ Sơn; gò đồng thau làng Bàn Kết, chạm đá Thái La; nghề cung bông, làm lọng ở Hào Kiệt với những nghệ nhân giỏi về thêu kim tuyến, chỉ màu. Huyện Ý Yên từ lâu đã được xem là đất nghề: nào là chạm khắc gỗ La Xuyên; đúc đồng Tống Xá, Vạn Điểm; nào là sơn mài Cát Đằng, mây tre đan Yên Tiến… Làng sơn mài Cát Đằng vẫn còn truyền tụng câu ca: “Sơn Định Bảng khéo cầm, khéo chế/ Thợ tỉnh Nam chạm vẽ khéo tay” nhằm ca ngợi sự tài hoa, thông minh, sáng tạo của những nghệ nhân nơi đây. Với tính kế thừa trong mỗi gia đình và tay nghề điêu luyện của cả một vùng, sản phẩm của Cát Đằng không những có chất lượng, giá trị sử dụng lâu bền mà còn mang tính mỹ thuật và giá trị xuất khẩu cao. Những mặt hàng chủ yếu của sơn mài Cát Đằng như các loại đĩa, khay, hộp, rương, lọ hoa, tranh sơn thủy… qua thử thách của thời gian đã khẳng định tiềm năng, thế mạnh của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Một số sản phẩm được tạo dáng đẹp, trang trí họa tiết hài hòa, kết hợp vỏ trai, vỏ trứng tạo nên chất liệu quý, màu sắc lộng lẫy nhưng vẫn trang nhã, có chiều sâu của sơn mài cổ truyền. Nghề đúc ở huyện ý Yên với lịch sử lâu đời hơn 900 năm cũng khá nổi danh. Hiện nay, toàn huyện có gần 70 doanh nghiệp tư nhân chuyên nghề đúc và hàng trăm xưởng đúc quy mô hộ gia đình, trong đó nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng được uy tín trên thương trường, đạt giá trị sản xuất mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, đúc đồng những năm gần đây được cả nước biết đến qua những công trình văn hóa – lịch sử tầm cỡ: tượng vua Lê Thái Tổ đặt tại vườn hoa Chí Linh (Hải Dương), tượng đài chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên, chùa Đồng ở Yên tử (Quảng Ninh), tượng 14 vị hoàng đế thời Trần (Nam Định)…
Tất cả những làng nghề đó đã tạo nên bức tranh đa sắc trong kinh tế địa phương.
Tỉnh Nam Định hiện có 87 làng nghề, tạo việc làm cho gần 82.300 lao động với giá trị ước đạt gần 230 tỷ đồng/ năm. Cùng với sự phát triển của các làng nghề, cuộc sống người dân có nhiều khởi sắc, song cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết, như vấnđề quy hoạch làng nghề, xử lý môi trường, tổ chức tuyên truyền du lịch làng nghề để giới thiệu sản phẩm... để làng nghề có thể phát triển bền vững... Với mong muốn giúp bạn đọc có được cái nhìn đầy đủ về làng nghề trên đất Nam Định, phát huy thế mạnh làng nghề và có hướng giải quyết những vấn đề còn tồn tại, chúng tôi biên soạn thư mục này. Trong quá trình biên soạn không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc