Khu nhà xưởng và nhà kho của Công ty TNHH Đổi Mới rộng khoảng nửa héc-ta xếp chật kín những thùng sản phẩm được tết, bện từ cói và lục bình.
Những sản phẩm được gắn mác tiếng Anh và in giá quy đổi thành đô la và euro để chuyển lên container xuất khẩu sang Châu Âu như Ý, Đức, Pháp, Tây Ban Nha… và Hoa Kỳ.
Nhờ đôi tay tài hoa của những thợ thủ công, những nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi như cây lục bình trôi nổi trên sông, sau khi được vớt lên và sấy khô đã biến thành hàng trăm mẫu sản phẩm khác nhau phục vụ sinh hoạt.
Ông Đoàn Văn Lan, Giám đốc Công ty TNHH Đổi Mới, chia sẻ năm 2020 doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm trị giá hơn 3 triệu USD và luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán. Nguyên nhân là do văn hóa tiêu dùng của người dân Châu Âu, Châu Mỹ thích sử dụng các vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường, giảm sử dụng đồ nhựa và các vật liệu độc hại khó phân hủy.
Ông Lan cũng trực tiếp đi khảo sát các làng nghề truyền thống ở Đức, Ý, Pháp… và thấy rằng, cơ bản nghề mây tre đan gần như đã bị xóa sổ ở các quốc gia phát triển này do không thể ứng dụng dây chuyền công nghiệp để cơ giới hóa. Thị trường thế giới đang rất cần sản phẩm mây tre đan và đó là cơ hội vàng cho các làng nghề truyền thống tại Việt Nam.
Hiện nay, doanh nghiệp của ông Lan đang liên kết đào tạo và bao tiêu sản phẩm với hơn 10.000 lao động thủ công, đa phần là những nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ và người cao tuổi ở nông thôn. Đó là con số rất đáng lưu tâm, trong bối cảnh tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn ở mức cao.
Ông Lan chia sẻ, cách đây 12 năm ở xã Chấn Bình, huyện Kim Sơn chỉ có 20 người đan, nhưng sau đó được Hội Phụ nữ tỉnh dạy 10 lớp nghề mây tre đan, mỗi lớp 30 người (tương đương tổng số 300 người được dạy nghề). Đến nay, toàn xã đã có hơn 2.000 người đan tạo thành xã nghề sầm uất, ô tô nườm nượp vào ra nhập hàng.