Hiệu quả thiết thực qua Tháng tiêu dùng số

Hưởng ứng chương trình, kế hoạch “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số (TDS)” - sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhân ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, mua sắm sản phẩm, hàng hóa trên các nền tảng trực tuyến, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, kích thích TDS, mở rộng thị phần cho các doanh nghiệp mà còn nâng cao kỹ năng số cho người dân, thúc đẩy phát triển 2 trụ cột lớn là kinh tế số và xã hội số.

“Tháng TDS” được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức với mong muốn CĐS phải bắt đầu từ đáp ứng những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của người dân, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số. Các hoạt động trong “Tháng TDS” tập trung vào các lĩnh vực trụ cột của kinh tế số, nhằm hướng tới mục tiêu giúp cho người dân được thụ hưởng những kết quả thiết thực mà CĐS mang lại, đồng thời nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của CĐS; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của CĐS. 

Triển khai Tháng TDS trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng, tổ chức, đoàn thể, địa phương đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động lồng ghép triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với việc đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng các chương trình khuyến mại trực tuyến của riêng đơn vị và theo quy định của các nền tảng thương mại điện tử, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tăng cường mua sắm trực tuyến trên các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, sử dụng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong sinh hoạt, công việc hàng ngày; thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị. UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền đến từng khu dân cư, hộ dân biết về ý nghĩa của CĐS, phát triển kinh tế số, thúc đẩy ứng dụng số trong mua sắm, thanh toán các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến, không dùng tiền mặt; đồng thời vận động, khuyến khích các tiểu thương, hộ kinh doanh, cửa hàng, người tiêu dùng hưởng ứng thanh toán số thông qua các dịch vụ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt của các ngân hàng hoặc các đơn vị có cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, tạo điều kiện cho người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng hóa, thanh toán dịch vụ thuận lợi, dễ dàng. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, mua sắm trực tuyến triển khai cung cấp các dịch vụ số, hướng dẫn người tiêu dùng, tiểu thương về CĐS, mở tài khoản hướng dẫn và hỗ trợ sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử, mua sắm không dùng tiền mặt... Chủ động tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, các Fanpage, nhóm Zalo khu dân cư về nội dung Tháng TDS. Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chất lượng, đo lường, giá và an toàn thực phẩm; giám sát các chương trình khuyến mại có dấu hiệu vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định trong thời gian diễn ra Tháng TDS. 

Hưởng ứng Tháng TDS, VNPT Nam Định triển khai tất cả các chương trình khuyến mãi cho khách hàng sử dụng 13 nền tảng dịch vụ số; Viettel đưa ra 11 chương trình khuyến mại cho các sản phẩm dịch vụ. Nhóm doanh nghiệp chuyển phát hàng hóa đưa ra mức giảm giá 40-50% cước phí vận chuyển cho tất cả đơn hàng. Đặc biệt các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ cá thể kinh doanh sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc trưng của địa phương đã đẩy mạnh việc đăng ký tham gia đưa thông tin, các sản phẩm, dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm đã được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP, tiêu chuẩn VietGAP... lên sàn giao dịch nông sản sạch; sản phẩm OCOP Nam Định và kết nối với các sàn thương mại điện tử khác như: Sendo, Shopee, Tiki, Lazada, TikTok... 

Với khát vọng đưa sản phẩm Giấm mơ trà xanh vươn xa, ngoài tiêu chí về chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã bao bì sản phẩm, việc quảng bá sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử luôn được HTX Thanh niên Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản) chú trọng. Anh Vũ Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: Trong xu hướng tiêu dùng hiện đại thì nền tảng thương mại điên tử là cách quảng bá sản phẩm nhanh nhất, chân thực nhất và thu hút đông đảo người tiêu dùng quan tâm. HTX đã mời chuyên gia về CĐS về tập huấn cho thanh niên trong xã, giúp thanh niên bắt nhịp công nghệ số để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Hiện tại, ngoài việc quảng bá sản phẩm nông sản trên mạng xã hội, trên các kênh Youtube, Facebook và TikTok, HTX tổ chức livestream bán hàng trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngay trong Tháng TDS, HTX cũng có chương trình khuyến mại tặng quà cho khách hàng mua trực tuyến và áp dụng tất cả những quy định về khuyến mại giá sản phẩm chung của các sàn giao dịch. Số lượng đơn hàng và doanh thu từ thương mại điện tử trong tháng này của HTX tăng từ 30-40% so với những tháng trước đây.

Người tiêu dùng cũng hồ hởi trước cơ hội mua sắm trực tuyến với nhiều ưu đãi. Chị Đinh Thị Thu Hà ở Khu đô thị Hòa Vượng (thành phố Nam Định) cho biết: “Nhân dịp Tháng TDS, tôi tranh thủ sử dụng gói cước My VNPT; dịch vụ ví VNPT Money… Những gói dịch vụ này tôi thấy thiết thực với nhu cầu sinh hoạt của gia đình nhưng vẫn đắn đo về chi phí, nhưng hiện có nhiều ưu đãi trải nghiệm dịch vụ với mức giảm 50% chi phí ban đầu và tặng tiền từ 10-15 nghìn đồng khi thanh toán các loại hóa đơn điện, nước, học phí qua VNPT Money... Bên cạnh đó tôi cũng tham gia mua khá nhiều đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua các sàn giao dịch thương mại bởi giá cả hợp lý, sản phẩm đảm bảo chất lượng. Tôi sẽ tranh thủ mua nhiều sản phẩm trong tháng tiêu dùng này để sử dụng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.

Tháng TDS năm 2024 khép lại với niềm phấn khởi của người tiêu dùng vì được sử dụng sản phẩm với mức giá ưu đãi; các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, có thêm khách hàng giao dịch trực tuyến, kích thích tiêu dùng dịp cuối năm cũng như sau này. Ngoài ra, kết quả quan trọng của chương trình là góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế số phát triển và xây dựng công dân số trên địa bàn. Điều này tạo thêm cơ sở thực tiễn và lý luận để cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách hiệu quả hơn nữa nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trên môi trường số.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Báo Nam Định