Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và chuyển đổi số (CĐS). Kết quả cung cấp và sử dụng DVCTT trong suốt thời gian qua của tỉnh luôn đứng ở vị trí tốp đầu của cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Với mục tiêu "lấy người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm", những năm qua tỉnh nghiêm túc, tập trung triển khai thực hiện chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, tỉnh có 1.679 TTHC (đạt 100%) được cung cấp trực tuyến và niêm yết công khai trên cổng DVCTT, trong đó có 868 TTHC (bằng 52%) là DVCTT toàn trình; 811 TTHC (bằng 48%) là DVCTT một phần. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện bằng hình thức trực tuyến đạt trên 96%; tỷ lệ hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán trực tuyến đạt gần 90%; tỷ lệ hồ sơ TTHC số hóa hồ sơ, kết quả đạt gần 80%.
Đặc biệt, tỉnh đã sớm hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin giải quyết TTHC (gồm Cổng cung cấp DVCTT và hệ thống một cửa điện tử); là tỉnh trong nhóm dẫn đầu toàn quốc về triển khai thực hiện Đề án 06 với những thành tích cụ thể nổi bật như: 1 trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên hoàn thành việc kết nối và khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 1 trong 4 đơn vị dẫn đầu toàn quốc về tiếp nhận và giải quyết hồ sơ 2 nhóm dịch vụ công liên thông là đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí. Tỉnh đạt 82,18/100 điểm, đứng thứ 13 toàn quốc về Chỉ số đánh giá trực tuyến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên Cổng DVC quốc gia. Nam Định là một trong những tỉnh đi đầu về cung cấp và sử dụng DVCTT trên Cổng DVC quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, việc cung cấp, sử dụng DVCTT của tỉnh vẫn còn điểm hạn chế, đó là việc công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC chưa kịp thời; chênh lệch về số lượng TTHC niêm yết cũng như việc đồng bộ kết quả giải quyết TTHC trên Cổng DVC quốc gia và Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh chưa thống nhất và so với tổng số hồ sơ TTHC tiếp nhận giải quyết thực tế; vẫn còn tỷ lệ giải quyết TTHC, DVCTT quá hạn; chưa khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa và DVCTT toàn trình và chưa đảm bảo chất lượng DVCTT toàn trình (DVCTT toàn trình nhưng vẫn yêu cầu nộp hồ sơ trực tiếp, nộp ảnh, biên lai nộp lệ phí trước bạ (bản chính), xuất trình giấy tờ để kiểm tra như hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật…). Những hạn chế này làm giảm chất lượng cung cấp, sử dụng DVCTT khiến người dân chưa thực sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ và cũng là nguyên nhân khiến các cán bộ thường phải “làm hộ” người dân khi giao dịch hành chính. Nguyên nhân này do một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện DVCTT; một bộ phận cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của DVCTT; việc số hóa hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu, nhất là các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện; người dân chưa hình thành thói quen giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến nên thường lựa chọn cách nộp hồ sơ và nhận trả kết quả trực tiếp tại bộ phận “một cửa” các cấp. Bên cạnh đó, nhiều người dân ngại tiếp cận với công nghệ số hay chưa sử dụng điện thoại thông minh… để thực hiện TTHC trực tuyến...
Để nhanh chóng khắc phục những hạn chế này, nâng cao hiệu quả sử dụng, cung cấp DVCTT hướng đến việc phổ cập DVCTT toàn trình ngay trong năm 2024 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện rà soát và lựa chọn các TTHC đủ điều kiện đảm bảo cung cấp DVCTT toàn trình theo đúng quy định; ưu tiên nhóm dịch vụ công thiết yếu, có nhiều người sử dụng để thực hiện đơn giản hóa, tái cấu trúc lại quy trình thực hiện; đẩy mạnh triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần tăng tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT. Thực hiện tốt bộ Khung DVCTT mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng cũng như nghiên cứu áp dụng 6 bài học kinh nghiệm mà Bộ đã tổng kết đúc rút qua quá trình gần 20 năm triển khai DVCTT trên toàn quốc. Bên cạnh đó tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống Cổng DVCTT của tỉnh, tránh để xảy ra lộ, lọt thông tin; mất an toàn trong giao dịch trực tuyến. Quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để thúc đẩy CĐS, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT, góp phần hoàn thiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong lộ trình CĐS địa phương cũng như lộ trình CĐS quốc gia.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Báo Nam Định