Ngành Thống kê tỉnh tích cực chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là hoạt động then chốt giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thống kê, trong những năm qua, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ.

Cục Thống kê tỉnh xác định quá trình chuyển đổi số bao gồm chuyển đổi đồng thời và đồng bộ cả 3 lĩnh vực chính: quy trình nghiệp vụ thống kê; quản trị nhân lực ngành Thống kê, đáp ứng yêu cầu sử dụng công nghệ và tuân thủ quy trình mới; Ứng dụng công nghệ với trọng tâm là số hóa, sử dụng dữ liệu số hóa với các ứng dụng thông minh. Thời gian qua, ngành Thống kê tỉnh đã đáp ứng yêu cầu cơ bản trong quá trình chuyển đổi số: chuyển hình thức thu thập thông tin bằng phiếu điều tra giấy sang phiếu điều tra điện tử; quản lý dữ liệu phân tán sang tập trung và đẩy mạnh tương tác giữa người cung cấp thông tin - điều tra viên thống kê - người làm công tác thống kê - người sử dụng thông tin thống kê.

Cụ thể, Cục Thống kê tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý liên quan đến hoạt động thống kê như: Sử dụng hệ thống quản lý văn bản số và ứng dụng chứng thư số chuyên dùng trên phần mềm Eoffice; Gửi nhận báo cáo qua trang thi đua của ngành; Sử dụng hệ thống phần mềm quản lý công việc Tasgov của Tổng cục Thống kê để lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, Chi cục Thống kê cấp huyện triển khai công việc; ứng dụng công nghệ thông tin, tham dự và tổ chức các buổi hội nghị, hội họp bằng hình thức trực tuyến... Điều này giúp Cục Thống kê nhanh chóng nắm bắt mức độ hoàn thành công việc từ cấp cơ sở để kịp thời nhắc nhở, đôn đốc; đồng thời là cơ sở để đánh giá chất lượng công chức, từ đó giúp mang lại hiệu quả tốt hơn trong công việc. 7 tháng đầu năm 2024, toàn ngành đã triển khai thực hiện 18 cuộc điều tra theo chương trình của Tổng cục Thống kê giao gồm: các cuộc điều tra định kỳ hàng tháng, quý và các cuộc điều tra thường xuyên thuộc các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp, xây dựng, vốn đầu tư; Thương mại, dịch vụ và giá cả; Dân số, xã hội và môi trường… Hoàn thành 2 cuộc điều tra lớn là Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 và Điều tra doanh nghiệp năm 2024.

Không chỉ tích cực chuyển đổi số trong công tác quản lý, Cục Thống kê tỉnh còn tích cực cải tiến quy trình nghiệp vụ sản xuất thống kê, đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học để chuyển đổi quá trình sản xuất thống kê lên môi trường số. Tính đến nay, các cuộc điều tra thống kê thực hiện trên địa bàn tỉnh cơ bản chuyển đổi hình thức điều tra phiếu giấy sang hình thức kê khai điện tử qua webform (người cung cấp thông tin tự kê khai thông tin trực tuyến trên hệ thống điều tra trên máy tính) hoặc hình thức thu thập thông tin bằng phiếu điều tra điện tử CAPI trên cho máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Đến nay, chỉ còn 2 cuộc điều tra: lâm nghiệp và diện tích cây nông nghiệp phải điều tra phiếu giấy. Bên cạnh đó, Cục Thống kê tỉnh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng trang web riêng để thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo Quyết định của UBND tỉnh. Nhờ đó, thời gian thu thập thông tin được rút ngắn, kịp thời phát hiện, xử lý, sửa lỗi khi có sự cố xảy ra để cải thiện và nâng cao chất lượng thông tin thống kê, hỗ trợ tích cực cho quá trình ra quyết định của lãnh đạo các cấp trong quản lý, điều hành địa phương. Đây không chỉ là chuyển đổi về ứng dụng công nghệ thông tin mà còn là chuyển đổi về phương pháp và quản lý điều tra, khi đối tượng cung cấp thông tin tự kê khai thông tin và quản lý dữ liệu giữa các cấp kiểm tra, giám sát được thực hiện minh bạch.

Công tác phổ biến thông tin thống kê cũng được Cục Thống kê tỉnh cải tiến theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, bằng việc thiết kế infographic tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, tăng cường phổ biến thông tin trên bảng điện tử Led, xây dựng và đưa vào vận hành trang thông tin điện tử https://www.namdinh.gso.gov.vn nhằm phổ biến nhanh chóng, kịp thời một cách trực quan thông tin thống kê, cũng như tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các văn bản chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến với các tổ chức, cá nhân và người dùng thông tin. Hiện tại, mỗi tháng website của Cục có hơn 760 nghìn lượt truy cập, tìm kiếm, tham khảo các thông tin, số liệu thống kê. Từ năm 2021 đến nay, trang thông tin điện tử liên tục đổi mới về giao diện, tích hợp thêm các chuyên mục mới như Infographic, Lịch phổ biến thông tin thống kê, Hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ấn phẩm thống kê số, thông tin kinh tế - xã hội… để các cơ quan, ban, ngành, người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê phục vụ công việc. Bên cạnh đẩy mạnh công nghệ thông tin trong hoạt động
sản xuất thông tin thống kê từ điều tra và báo cáo thống kê, Cục Thống kê tỉnh đồng thời thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong sử dụng dữ liệu hành chính như dữ liệu thuế, hải quan, bảo hiểm... Phát triển hạ tầng số được chú trọng đầu tư, phục vụ công tác chuyển đổi số ngành Thống kê. Cục Thống kê tỉnh vận hành hệ thống máy chủ sử dụng mạng LAN trong toàn ngành; dành nguồn lực tài chính trang bị đầy đủ cho công chức máy vi tính phục vụ công tác thu thập, tổng hợp, phân tích báo cáo; trang bị hệ thống họp trực tuyến. Nhằm nâng cao năng lực bảo vệ thông tin trên môi trường số, Cục Thống kê tỉnh đã phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số trong đội ngũ công chức; cử công chức tham gia các lớp tập huấn do Tổng cục Thống kê tổ chức về công tác bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu trên không gian mạng, kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng...

Với mục tiêu 100% các cuộc điều tra trong chương trình điều tra thống kê quốc gia ứng dụng triệt để công nghệ thông tin; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước của Cục được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng... thời gian tới, ngành Thống kê sẽ tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức của công chức và người lao động về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng cho công chức nắm bắt, sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phần mềm trong công tác thống kê, đổi mới quy trình nghiệp vụ sản xuất và phổ biến thông tin thống kê. Nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin, thay thế các thiết bị đã cũ, cấu hình thấp đã hết hạn sử dụng; tiếp tục dành nguồn lực tài chính trang bị máy tính và các thiết bị cấu hình cao phục vụ công việc. Tiếp tục đổi mới công tác giám sát, quản lý hoạt động thu thập thông tin thống kê thông qua trang website điều hành tác nghiệp. Đẩy mạnh kết nối, khai thác dữ liệu cơ sở dữ liệu hành chính của ngành Thuế, Hải quan, Bảo hiểm, Kho bạc phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê. Tiến hành áp dụng triệt để hình thức thu thập thông tin qua webform, phiếu điều tra điện tử (CAPI) trong các cuộc điều tra thống kê.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Báo Nam Định