Mỹ Thắng đẩy mạnh chuyển đổi số hiệu quả, bền vững

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đang tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số, bước đầu đạt kết quả quan trọng trên cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Đồng chí Trần Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngay sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2022, toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền địa phương cùng người dân đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu, chọn lựa lĩnh vực nổi trội là chuyển đổi số theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, hướng tới xây dựng xóm, xã NTM thông minh”. Với phương châm “nhận thức là quyết định, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, thể chế và công nghệ số là động lực, nền tảng số là đột phá, an toàn, an ninh thông tin là then chốt, chính quyền là tiên phong”, UBND xã đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như mở các lớp tập huấn, thông qua các hội nghị trực tiếp, trực tuyến, trên trang thông tin điện tử, trên hệ thống phát thanh, truyền thanh từ xã đến thôn, xóm, trên các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo… huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số hiệu quả. Đồng thời, xã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng tại 7 thôn do trực tiếp bí thư chi bộ làm tổ trưởng, trưởng thôn và các thành viên Ban công tác Mặt trận làm tổ viên. Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, xã từng bước đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân để qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Hiện tại, Tổ công nghệ số cộng đồng đang tích cực phối hợp với lực lượng Công an triển khai hướng dẫn người dân đăng ký định danh điện tử VneID trên điện thoại thông minh; hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số trên nền tảng điện thoại thuộc các lĩnh vực: Bảo hiểm xã hội, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt đối với tiền điện, nước, internet, viễn thông qua tài khoản ngân hàng...

Tại trụ sở UBND xã, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, việc xây dựng chính quyền số được triển khai tương đối đồng bộ. UBND xã đã rà soát, trang bị phương tiện, thiết bị đủ đáp ứng nhu cầu số hóa trong hoạt động công vụ, bổ sung hệ thống phần cứng gắn với phần mềm chuyên biệt để công dân tự thao tác gửi yêu cầu dịch vụ công cũng như đánh giá chất lượng dịch vụ ngay tại điểm giao dịch. Hệ thống mạng LAN, wifi được tối ưu, nâng cao tính bảo mật thông tin. Hệ thống trang thông tin và ứng dụng chuyển đổi số cung cấp thông tin thường xuyên về hoạt động của chính quyền địa phương tới người dân, đồng thời cũng là kênh để người dân phản ánh, kiến nghị, đóng góp ý kiến với lãnh đạo xã. Việc sử dụng máy tính, thiết bị di động cũng như việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm số hóa công việc hàng ngày được cải thiện rõ nét, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Hiện tại, UBND xã đã triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. 

Để phát triển kinh tế số gắn liền với thế mạnh làng nghề may mặc chăn, ga, gối đệm truyền thống vốn có, UBND xã đã phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký tem truy xuất nguồn gốc để xác thực nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp; hướng dẫn cài đặt phần mềm để thanh toán điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất. Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm trên môi trường mạng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm. Với quy mô sản xuất vững chắc sẵn có lại thêm nguồn vốn vay từ ngân hàng; hỗ trợ, hướng dẫn của UBND xã, các hộ dân đã mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, bổ sung máy móc, đẩy mạnh các hoạt động giao dịch thương mại điện tử, tiếp cận nhiều hơn với các phương thức quảng cáo, quảng bá sản phẩm qua các kênh mạng xã hội. Làng nghề may mặc, kinh doanh dịch vụ của xã đã chuyển biến rõ rệt, dấu ấn đổi mới với công nghệ cao, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số thể hiện rõ nét. Anh Thao, chủ xưởng may thời trang Thao Huyền, ở xóm Mỹ cho biết: “Để vượt qua khó khăn chung của tình hình kinh tế, tôi đã tập trung đẩy mạnh quảng cáo về quy mô, năng lực xưởng sản xuất; sản phẩm có giá thành rẻ và mẫu mã linh hoạt theo thị hiếu. Hiện tại, xưởng chúng tôi sử dụng mã Viet QRCode để giao dịch với khách hàng mua lẻ và chuyển khoản ngân hàng đối với giao dịch lớn. Nhờ vậy, các đơn hàng của xưởng vẫn đều đặn, đảm bảo thu nhập ổn định cho 40 lao động thường xuyên với mức lương từ 8-9 triệu đồng/người/tháng”. Không chỉ xưởng anh Thao, các xưởng, hộ gia đình khác cũng tích cực ứng dụng công nghệ livestream trên các nền tảng facebook, zalo; đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada để tăng doanh số, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tại các thôn, xóm, xã đều tiến hành rà soát cơ sở vật chất, đường, điện, nhà văn hóa, đèn chiếu sáng, đường hoa đảm bảo các tiêu chí NTM kiểu mẫu, bổ sung các thiết bị phục vụ chuyển đổi số. Hiện tại, 7/7 thôn của xã đều đã lắp đặt thiết bị wifi phát miễn phí cho người dân sử dụng. Ông Trần Sỹ Lanh, Trưởng thôn Mai Mỹ, chia sẻ: “Cán bộ thôn đã phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt các phần mềm, sử dụng các dịch vụ số, phục vụ nhu cầu thiết yếu và chuyển đổi số như: dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, phòng cháy, chữa cháy; sử dụng các dịch vụ tiện ích như thanh toán tiền điện, nước, giao dịch ngân hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của thôn”. Bên cạnh đó, các hoạt động đóng góp xây dựng đường dong ngõ, xóm, kêu gọi ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ vì người nghèo”… huy động xã hội hóa để hoàn thiện các tuyến đường, hệ thống chiếu sáng, lắp đặt camera giám sát an ninh tại các khu vực công cộng, các trục đường chính được người dân nhanh chóng hưởng ứng thông qua kết nối trên các nhóm zalo, hội đoàn thể của thôn. 3 tháng đầu năm 2023, thôn đã hoàn thành đổ bê tông áp-phan tuyến đường trục chính thôn dài 538m với tổng kinh phí 1 tỷ 227 triệu đồng, đổ bê tông các trục dong ngõ chính dài hơn 1km với kinh phí gần 1 tỷ đồng kết hợp cải tạo chỉnh trang bờ tường rào tạo cảnh quan thôn NTM kiểu mẫu. Toàn thôn đã lắp hơn 20 camera an ninh. Mọi kinh phí vận động, ủng hộ xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất của xóm đều được công khai, minh bạch trực tiếp tại nhà văn hóa xã và được thông báo đến người dân qua kênh zalo. Qua hệ thống camera an ninh các hoạt động xả thải bừa bãi ra đường, va chạm giao thông đều được phát hiện kịp thời và giải quyết thỏa đáng,  đảm bảo an ninh trật tự thôn xóm. 

Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số: nhân rộng mô hình camera an ninh ra các thôn, xóm; ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã về may mặc, phấn đấu có 1 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội của xã đạt trên 95%. Hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh tiếp cận các chương trình khuyến công, khuyến nông có ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất, kinh doanh, tiếp thị sản phẩm. Rà soát và thực hiện hiệu quả các quy hoạch; tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại, an toàn; nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển toàn diện văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo nghề, bảo vệ môi trường. Xã phấn đấu được công nhận hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu trong năm 2024./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Báo Nam Định