Đột phá chuyển đổi số - Kỳ III: Giải pháp tạo đột phá chuyển đổi số mạnh mẽ
Thống nhất nhận thức về chuyển đổi số (CĐS) và phổ cập nhận thức đó đến toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện. Quá trình thực hiện linh hoạt, chọn việc dễ làm trước, làm ngay và dứt điểm, việc khó làm thí điểm, vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, là những bài học kinh nghiệm mà tỉnh ta rút ra sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về CĐS tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Năm 2023, tỉnh phấn đấu có 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 85% ở cả 3 cấp; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước. Tập trung thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng. Đẩy nhanh quá trình đưa các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử. Phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP. Hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã, trên 95% hộ gia đình. Hoàn thành phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. 50% tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Đến năm 2025, hoàn thành các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử; cơ bản hình thành chính quyền số; hoàn thành các nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Năm 2030, thực hiện CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; cơ bản hoàn thành CĐS các lĩnh vực ưu tiên; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước các cấp trên toàn tỉnh; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) tham mưu với tỉnh triển khai các nhóm nhiệm vụ giải pháp xây dựng, phát triển và hoàn thiện nền tảng CĐS của tỉnh trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó trọng tâm là hoàn thiện nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu đáp ứng các yêu cầu kết nối, liên thông dữ liệu nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. Xây dựng mô hình thí điểm CĐS tại một số đơn vị cấp huyện, cấp xã và một số sở, ngành; thí điểm CĐS trong quản lý, hoạt động tại một số đơn vị trường học, cơ sở y tế để rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn tỉnh. Về nhiệm vụ phát triển kinh tế số, tỉnh sẽ tập trung phát triển thị trường thương mại điện tử; doanh nghiệp công nghệ số; triển khai hỗ trợ các gói giải pháp thông minh cho các doanh nghiệp; phát triển ứng dụng nền tảng số phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tập trung đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính đến cấp xã; triển khai thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số. Đối với phát triển xã hội số sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng các nền tảng, ứng dụng mới phục vụ người dân, trong đó quan tâm các công nghệ nền tảng phục vụ việc giao tiếp, tương tác hai chiều giữa người dân và cơ quan Nhà nước trên thiết bị di động. Ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Phát triển các ứng dụng dịch vụ giao thông thông minh trong việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải và triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ số dịch vụ thông minh về tài nguyên môi trường, dịch vụ giáo dục thông minh trên nền tảng số. Triển khai làm tốt công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.
Các ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp, ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ chính quyền số và xây dựng/ứng dụng các nền tảng, kênh tương tác trực tuyến giữa cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp; phổ cập điện thoại thông minh đến mọi người dân. Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, huy động sự tham gia của cộng đồng, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác các hệ thống công nghệ thông tin, các nền tảng và cơ sở dữ liệu phục vụ việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm chính quyền điện tử. Phối hợp, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số trong mọi lĩnh vực. Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số vào triển khai CĐS như: điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối. Thu hút nguồn lực công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS cho cán bộ, công chức các cấp trên địa bàn tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với cơ chế thu hút, đãi ngộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong CĐS và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Tham gia các tổ chức quốc tế, các sáng kiến quốc tế; tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời quảng bá, tạo thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ chính phủ số của các doanh nghiệp số trong tỉnh.
CĐS là một việc khó nhưng là xu hướng tất yếu, khách quan; là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; vì thế phải tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo, thường xuyên tổng kết, đánh giá để có những bước đi phù hợp tiếp theo./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Báo Nam Định