Đa dạng hoá sản phẩm trong các làng nghề mây tre đan

Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 làng nghề đan lát mây tre bao gồm: Nghề đan thúng ở thôn Vạn Đồn, Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc); nghề đan mây Tiên Hào, thôn Tiên Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản); nghề đan mũ giang ở các xã Yên Trị, Yên Đồng (Ý Yên); mành tre làng Đỗ Xá, xã Điền Xá; nghề đan rổ rá, thúng ở thôn Thạch Cầu, xã Nam Tiến (Nam Trực); nghề đan cót thôn Ngọc Đông, Duyên Lãng, xã Trực Thanh; nghề truyền thống mây tre đan An Mỹ, xã Trung Đông; nghề gai, lưới, vó Hạ Đồng, xã Trực Đạo (Trực Ninh); nghề đan nón, dệt chiếu ở các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Sơn, Nghĩa Lợi, Hoàng Nam (Nghĩa Hưng)… Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều vật liệu mới ra đời mang tính tiện ích cao nên một số sản phẩm mây tre đan không còn phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, để tồn tại và phát triển, người dân các làng nghề mây tre đan đã năng động, đa dạng hoá sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ đảm bảo thu nhập ổn định, duy trì và phát triển nghề truyền thống.

Người dân làng nghề mây tre đan


Người dân làng nghề đan mành tre ở làng Đỗ Xá, xã Điền Xá và nghề đan rổ rá, thúng ở thôn Thạch Cầu, xã Nam Tiến (Nam Trực)… cũng tích cực tìm hướng đổi mới sản phẩm trên cơ sở phát huy tiềm năng làng nghề và đã đạt được những thành công bước đầu. Làng nghề đan mành tre Đỗ Xá nay không chỉ sản xuất mành che cửa mà còn có thêm sản phẩm giát giường, mành che nắng ban công, các loại mành mỹ nghệ được ghép bằng nan tăm, sơn son thếp vàng dùng trang trí nơi thờ tự, chao đèn bằng tre dùng trang trí trong các gian hàng ẩm thực và các dụng cụ đánh bắt tôm, cá như lờ, đăng, đó. Việc đổi mới sản phẩm trong các làng nghề truyền thống không chỉ giúp làng nghề trụ vững trong nền kinh tế thị trường mà nhiều sản phẩm đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Khi sản phẩm mũ giang của làng nghề đan giang truyền thống xã Yên Đồng (Ý Yên) không còn được ưa chuộng, thị trường trong nước bị thu hẹp, người dân làng nghề đã năng động cải tiến mẫu mã, trang trí sản phẩm mũ theo thị hiếu tiêu dùng. Với ưu điểm là hàng thủ công, giá rẻ, mẫu mã phong phú, màu sắc bắt mắt và có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường nên những lô hàng đầu tiên đã được xuất khẩu thành công qua Tổng Cty Xuất nhập khẩu Trung ương sang các thị trường Pháp, Mê-hi-cô, Xinh-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Không dừng lại ở đó, người dân làng nghề đan giang Yên Đồng tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm mới như giỏ, túi xách, đệm ngồi, mũ cách điệu từ cốt liệu giang để xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, nghề may mũ giang ở xã Yên Đồng lại đang chuyển dần sang may mũ mềm, may quần áo, các mặt hàng bảo hộ lao động cả cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu... Làng nghề đã trở nên sầm uất với hàng chục Cty và hàng trăm cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, thu hút lao động ở nhiều xã lân cận. Các làng nghề đan cói ở Nghĩa Hưng cũng đã năng động đổi mới sản phẩm theo hướng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và tiếp cận xuất khẩu sản phẩm tạo giá trị kinh tế cao.Thôn Vạn Đồn, Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) có nghề đan tre truyền thống với các sản phẩm đặc trưng: thúng, dần, sàng, rổ, rá, rế... Lúc hưng thịnh, sản phẩm của làng nghề theo chân các lái buôn đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, khi các sản phẩm gia dụng bằng nhựa, inox ra đời thì hàng tre đan của làng nghề gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Người dân làng nghề đã tìm cách chuyển đổi cải tiến sản phẩm để duy trì nghề truyền thống. Qua tìm hiểu thị trường, người làng nghề nhận thấy sản phẩm giành tích là phù hợp với kỹ thuật đan để thay thế các sản phẩm của làng. Để có sản phẩm đẹp, mang tính cạnh tranh cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, người dân Vạn Đồn đã học kỹ thuật đan của làng nghề Phú Vinh, huyện Chương Mỹ (Hà Nội); kỹ thuật sơn quang của làng nghề Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) và nghiên cứu cải tiến quy trình làm cốt bông để giữ nhiệt… Những ưu điểm bền đẹp, giữ nhiệt lâu hội tụ trên cùng một sản phẩm đã khiến giành tích của làng Vạn Đồn nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng. Để mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm trong quá trình sản xuất, người dân làng nghề đã tích cực nghiên cứu nhiều dòng sản phẩm mới và liên kết với các làng nghề khác đặt hàng làm phần vỏ sản phẩm bằng các chất liệu như mây, thổ cẩm, sơn mài, sau đó làng nghề làm phần cốt bông giữ nhiệt và hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, giành tích Vạn Đồn đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với số lượng bán ra khoảng trên 1 vạn sản phẩm/năm. Từ một vài hộ làm giành tích ban đầu, đến nay, hầu hết các hộ dân trong làng đều tham gia làm nghề. Hiện, trong làng đã có gần 20 đại lý cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho làng nghề. Thu nhập của người dân tăng lên 3-5 lần so với nghề đan rổ, rá.

Đa dạng hoá sản phẩm và xu thế người tiêu dùng quay trở lại sử dụng những sản phẩm thủ công truyền thống là cơ hội để nghề mây tre đan truyền thống có bước phát triển mới. Để giúp các làng nghề phát triển theo hướng bền vững, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hộ sản xuất cần tích cực, chủ động trong đổi mới thiết bị công nghệ, kết hợp yếu tố truyền thống với hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, cần coi trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề và ý thức cho người lao động; xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề gắn với việc duy trì, mở rộng thị trường./.