Những đề xuất để Nam Định chuyển đổi số và phát triển đột phá

Đăng ngày 13 - 06 - 2022
Lượt xem: 3
100%

Nam Định đang quyết tâm cao thực hiện chuyển đổi số (CĐS), coi CĐS là giải pháp đột phá để phát triển một cách tổng thể, toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Ngày 10/6, tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức về CĐS tỉnh Nam Định. Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc; Phó Bí thư tỉnh Uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Đình Nghị; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cùng 3500 đại biểu là Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị các cấp chính quyền.

CĐS để đột phá, phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cho biết nếu so với nhiều địa phương khác, Nam Định chưa phải là tỉnh mạnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ, thu ngân sách chưa cao nhưng đã có cách làm riêng xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, cung cấp những dịch vụ tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), mang lại những kết quả ban đầu rất tích cực.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc: CĐS là giải pháp đột phá để phát triển một cách tổng thể, toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh

Tại Nam Định, kiến trúc của nền tảng chính quyền điện tử bước đầu được hình thành. Cơ sở hạ tầng CNTT được tăng cường đầu tư, hoạt động ổn định, hiệu quả. Các hệ thống thông tin trọng yếu được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Về Chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (DTI) năm 2020, Nam Định đứng thứ 11/63 tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó, chỉ số thành phần về xã hội số, Nam Định đứng thứ 5/63 tỉnh/thành phố.

Tuy nhiên, theo Bí thư Phạm Gia Túc, chặng đường CĐS của tỉnh còn rất dài. "Chúng ta cần sớm thống nhất trong tư duy, nhận thức để tổ chức, triển khai CĐS một cách bài bản, vững chắc. Trong CĐS, người đứng đầu đóng vai trò quyết định vì chỉ có người đứng đầu mới làm tốt về việc đánh giá đúng về khả năng, nguồn lực trong tổ chức của mình và đưa ra bài toán cụ thể cần phải giải quyết".

"Hội nghị bồi dưỡng, nâng cao nhận thức CĐS do Bộ TT&TT tổ chức là hoạt động hết sức thiết thực và ý nghĩa đối với tỉnh Nam Định, đặc biệt trong bối cảnh tỉnh đang quyết tâm cao thực hiện CĐS, coi CĐS là giải pháp đột phá để phát triển một cách tổng thể, toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh".

Theo đó, Bí thư Phạm Gia Túc nhấn mạnh người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền tất cả các cơ quan, đoàn thể phải vào cuộc thì mới CĐS thành công. Tuyên truyền về CĐS cần được đẩy mạnh đến mỗi đảng viên, công chức, viên chức và người dân để Nghị quyết CĐS của Tỉnh ủy đi vào cuộc sống.

"CĐS không phải là việc riêng của chính quyền. Tất cả các tổ chức, DN và người dân Nam Định đều phải chung tay tham gia vào quá trình CĐS để mang lại hiệu quả cao. Mỗi tổ chức, cấp chính quyền phải xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình CĐS phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mình, chọn việc gì làm trước và chắc chắn làm được là một quyết định quan trọng của mỗi tổ chức, địa phương", Bí thư Tỉnh ủy Nam Định yêu cầu.

Toàn cảnh Hội nghị

CĐS là làm khác đi nhờ vào dữ liệu và công nghệ số

Tham dự và trao đổi với các đại biểu về CĐS, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết CĐS là mới không chỉ đối với Việt Nam mà với hầu hết các quốc gia trên thế giới. CĐS lần đầu tiên được nói tới tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cuối năm 2015 đầu năm 2016.

Theo Thứ trưởng, CĐS nói một cách đơn giản là thay đổi để thích ứng với những thay đổi mà công nghệ thay đổi. Công nghệ hiện nay thay đổi rất nhanh khi cứ 18 tháng thì năng lực tính toán, băng thông tăng gấp đôi, lưu trữ cũng tăng gấp đôi và rẻ hơn một nửa. Sự thay đổi đó tạo ra môi trường sống mới của con người là môi trường số, tác động to lớn lên môi trường thực.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: CĐS là làm khác đi nhờ vào dữ liệu và công nghệ số

Cũng theo Thứ trưởng, CĐS là làm khác đi nhờ vào dữ liệu và công nghệ số. Ví dụ như trước đây việc tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thì phải tổ chức các lớp học, bài kiểm tra trực tiếp. Giờ đây, chúng ta có thể làm khác đi, thay vì tổ chức lớp học trực tiếp thì kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Trực tuyến thì không đơn thuần là truyền hình mà đưa lên nền tảng học trực tuyến, theo đó, có thể triển khai nhiều lớp, trong thời gian ngắn và hiệu quả hơn rất là nhiều. Nhờ đó, người dân, DN có thể CĐS tốt hơn.

CĐS quốc gia được xác định trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, chính quyền số là mong muốn phục vụ người dân tốt hơn để người dân nâng cao mức độ hài lòng, niềm tin của người dân vào chính quyền. Kinh tế số là làm cho người dân giàu có hơn. Xã hội số là mong muốn cho người dân hạnh phúc hơn.

Thứ trưởng cho biết năm 2022, Bộ TT&TT hướng dẫn các địa phương triển khai đồng đều CĐS trên 3 trụ cột nhưng ưu tiên CĐS cho người dân, DN trước vì có thể mang lại kết quả nhanh, thiết thực hơn và người dân, DN được tự do sáng tạo nhiều hơn.

Phân tích một số dữ liệu của Nam Định, Thứ trưởng cho biết Nam Định có 1,9 triệu người dân; 1,1 triệu người dân trong độ tuổi lao động 600.000 hộ gia đình; 10.000 DN. Theo đó, với CSDL dân cư, Nam Định có thể nắm bắt được các dữ liệu dân cư để thực hiện các quyết định phát triển kinh tế - xã hội như quyết định đầu tư đường giao thông dựa trên mật độ, lưu lượng dữ liệu giao thông, quyết định đầu tư trường tiểu học dựa trên mật độ phân bố trẻ sơ sinh...

Về chính quyền số, Nam Định cần đưa toàn bộ hoạt động của 5.500 công chức, 31.000 viên chức trên môi trường số. Nam Định cũng có thể đánh hiệu quả của cán bộ công chứ qua các hệ thống xử lý văn bản… Nam Định có 2 chỉ tiêu, trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phát sinh hồ sơ là 40,71% và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 20,19%. Thứ trưởng đề nghị Nam Định cũng như các tỉnh trên cả nước cần phải phấn đấu trong năm nay đạt tỷ lệ cả 2 chỉ tiêu này trên 50%.

Để khác biệt, Nam Định cũng cần có cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả của DVCTT như là gom một số TTHC như với 3 thủ tục như khai sinh, hộ tịch, bảo hiểm y tế có thể gom thành 1 thủ tục duy nhất và làm một lần; các dịch vụ công được cá thể hóa đến từng cá nhân như nhắc lịch tiêm phòng cho trẻ em; giảm phí, lệ phí thực hiện DVCTT theo thẩm quyền; phân bổ chỉ tiêu đến cấp xã (thí điểm yêu cầu bắt buộc sử dụng DVCTT với một số TTHC).

Về nhận thức số, Nam Định đã bước đầu làm tốt về nhận thức (9/10 chỉ tiêu của Bộ TT&TT), theo đó, Nam Định cần tuyên truyền CĐS bằng câu chuyện thành công, bằng cách cầm tay chỉ việc.

Về nhân lực số, Nam Định đã bước đầu đạt 3/13 chỉ tiêu. Theo đó, điểm khác biệt được đề xuất cho Nam Định là khẩn trương thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn; bồi dưỡng, tập huấn công chức, viên chức về CĐS hàng năm; phổ cập kỹ năng sử dụng ứng dụng, dịch vụ số cho 1,9 triệu dân; phổ cập việc học trực tuyến các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ.

Nam Định cũng cần phổ cập được danh tính số, định danh số. Đây là điều kiện tiên quyết để mở ngân hàng, sử dụng DVCTT không phải đến cơ quan công quyền. Nam Định hiện có 1,3 triệu smartphone, việc phổ cập mỗi người dân 1 smartphone cũng giúp đẩy mạnh sử dụng danh tính số, từ đó người dân có tài khoản số… và trở thành thị trường số khổng lồ.

Về thể chế số, Nam Định đã ban hành cơ bản đầy đủ văn bản CĐS (10/11 chỉ tiêu). Nam Định cần ban hành văn bản định kỳ hàng năm nhắc nhở, chấn chỉnh quản lý chi cho CĐS và cần cần giám sát thực thi các văn bản này

Về hạ tầng số, Nam Định đã bước đầu đạt được 2/7 chỉ tiêu. Nam Định cần sớm triển khai mạng băng rộng, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang. Tiếp theo là cần chuyển đổi toàn bộ hạ tầng lên điện toán đám mây và triển khai CĐS bằng các nền tảng số.

Về an toàn thông tin (ATTT) mạng, Nam Định đã làm tốt khi bước đầu đạt 4/12 chỉ tiêu. Theo đó, Nam Định cần xây dựng cơ chế, chính sách thuê ngoài nhân lực CNTT, đặc biệt là ATTT mạng.

Thứ trưởng cho hay: "Làm CĐS khi có sự cố thì thường xảy ra ở lĩnh vực ATTT và sẽ rất vấn đề khi dữ liệu bị mất, phơi nhiễm và bị kinh doanh trên các diễn đàn. Nam Định cần đặc biệt quan tâm đến ATTT vì đây là lỗ hổng, điểm yếu trong tiến trình CĐS. ATTT giống như cháy nhà khi xảy ra vụ việc rồi mới quan tâm và khi xảy ra rồi thì lúc nào cũng hối tiếc".

Về CĐS DN, Nam Định có thể hỗ trợ 9500 DN chuyển đổi bằng các nền tảng số xuất sắc của Việt Nam và hỗ trợ hộ gia đình trở thành một DN. Bộ TT&TT đã chỉ đạo các DN có nền tảng số miễn phí cho DN sử dụng.

Về xã hội số, có 16 nền tảng số, Thứ trưởng đề nghị Nam Định có thể chọn một số ít các nền tảng phù hợp để người dân sử dụng. Nam Định cũng cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường, bệnh viện,… tạo điều kiện thuận lợi cho bà con. Hiện nay, các nhà mạng cũng đang triển khai dịch vụ mobile money, Nam Định có thể triển khai tại các chợ tiểu thương để khi ra chợ có smartphone là có thể quét QR để thanh toán rất thuận lợi và thúc đẩy giao thương.

Nam Định cũng có những điểm du lịch mà có thể nghiên cứu cung cấp thông tin bằng nhiều ngôn ngữ qua QR code hay áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để mang lại doanh thu cho tỉnh.

Cuối cùng, Thứ trưởng nhấn mạnh: "CĐS là phải kiên trì, mọi người dân, cán bộ, DN, tổ chức cần phải tham gia. Nam Định là tỉnh tiềm năng về nhân lực, con người để CĐS, phát triển kinh tế số"./.

 

ictvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

    Tin liên quan

    Tin mới nhất

    Tăng tốc chuyển đổi số(27/02/2024 10:49 SA)

    Ngành Giáo dục và Đào tạo Nghĩa Hưng đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số(21/02/2024 2:45 CH)

    "Làng số" - cẩm nang mang nền tảng số đến hộ gia đình(21/02/2024 2:44 CH)

    Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định vai trò tiên phong chuyển đổi số(01/02/2024 4:14 CH)

    VNPT Nam Định đồng hành thực hiện các trụ cột chuyển đổi số(25/01/2024 9:01 SA)

    152 người đang online